Nếu có thì tác phẩm báo chí bao gồm các thể loại nào?Nếu có thì tác phẩm báo chí bao gồm các thể loại nào?
Biên Nguyễn hỏi 3 năm trước

Chào quý Cục, cho phép tôi được hỏi quý Cục về tác phẩm báo chí hiện nay có được bảo hộ quyền tác giả không? Nếu có thì tác phẩm báo chí bao gồm các thể loại nào? thời hạn bảo hộ các thể loại tác phẩm báo chí đó trong thời gian bao lâu?

Câu trả lời
admin Nhân viên trả lời 3 năm trước


Ảnh minh họa
Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ thắc mắc của mình gửi về Cục Bản quyền tác giả. Đối với thắc mắc này, chúng tôi xin phép được hỗ trợ giải đáp như sau:
Tác phẩm báo chí là một trong những loại hình tác phẩm được pháp luật công nhận và bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ). Theo đó, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định cho tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan cũng có liệt kê cụ thể các loại hình tác phẩm được xem là tác phẩm báo chí tại Điều 9 như sau: “Tác phẩm báo chí là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.”
Thời hạn bảo hộ của tác phẩm báo chí được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết đối với các quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
– Làm tác phẩm phái sinh;
– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
– Sao chép tác phẩm;
– Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
– Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
 Và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ. Bảo hộ vô thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ đối với các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
– Đặt tên cho tác phẩm
– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
 

Độc giả: Nguyễn Quỳnh Anh –
– 25-06-2021
Hiện tại Công ty tôi đang in tờ rơi để quảng cáo truyền thông cho hình ảnh công ty. Trên tờ rơi có 2 mặt: một mặt in truyện cười sưu tầm từ các trang web; mặt còn lại in bài viết về sức khỏe, ví dụ như làm thế nào để giảm béo, ăn gì da đẹp… Tất cả bài viết này đều có nguồn từ internet, chủ yếu là báo điện tử A và B. Công ty tôi đã copy các bài này và ghi cuối bài là “Theo A” hay “Theo B”. Xin hỏi cách làm như công ty tôi có vi phạm Luật sở hữu trí tuệ hay không? Xin cảm ơn.
Trả lời:


Ảnh minh họa
Theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 về hành vi xâm phạm quyền tác giả:
“1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
2. Mạo danh tác giả.
3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
12. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
13. Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.”
Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, bao gồm:
– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân (không nhằm mục đích thương mại – theo khoản 1 Điều 22 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP);
– Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình (phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình; phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn – theo Điều 23 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP);
– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
– Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
– Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu (là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số – theo khoản 2 Điều 22 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP);
– Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
– Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
– Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
– Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
– Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.
Như vậy, theo các quy định trên thì việc công ty bạn sử dụng các tác phẩm báo chí đã được đăng trên internet để đăng lại trên các tờ rơi với mục đích thương mại, tuy có dẫn nguồn nhưng chưa được sự cho phép và chưa trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả thì công ty bạn đã vi phạm Khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.